Trích “Từ Một Tâm Trong Lặng” TN. THUẦN TUỆ

 

 








Trong Duy Thức Học có từ gọi là Biến kế sở chấp, có nghĩa là cái thấy cong quẹo, lệch lạc theo chỗ suy nghĩ lầm của mình. Chúng ta nhìn người này, người kia không đúng như thật. Khi đã biết tu, chúng ta nên có sao thấy vậy, đừng thêm đừng bớt gì cả. Người ta cười, mình biết người ta cười, người ta nhăn, mình biết người ta nhăn, thế thôi.
 
Đức Khổng Tử một hôm dắt môn đệ đi du hóa nhiều nơi, đến một chỗ rất nghèo, gạo không có đủ để ăn. Cả một nhóm thầy trò chỉ còn một ít gạo được cho sau nhiều ngày chịu đói. Thầy Khổng Tử bảo Nhan Hồi là người đệ tử đắc ý nhất lo việc nấu cơm, những người khác đi ra ngoài kiếm thêm rau về ăn. Sau đó, thầy đi vào nằm võng.  Đang nằm ngủ nơi võng, chợt thầy Khổng Tử nghe một tiếng động hơi lớn, là lạ, nhìn ra thấy Nhan Hồi đang xới cơm, lại lấy một ít cơm bỏ vào lòng bàn tay vo lại rồi bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. 
 
Thầy Khổng Tử rất buồn, “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn!”  Đến khi cơm chín, trước khi ăn thầy Khổng Tử muốn dâng cúng cơm cho tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính. Lúc đó, Nhan Hồi thưa “Thưa thầy, không nên, vì cơm này không tinh sạch”. Thầy Khổng  Tử hỏi vì sao? Nhan Hồi thưa, “Hồi nãy, khi con nấu cơm gần chín, mở nắp ra xới cơm, một cơn gió lớn thổi bụi rác từ mái nhà rớt vào trong nồi. Phần cơm trên mặt bị rác tro, tranh rơi đầy. Tuy con đã gạt lớp cơm bẩn đó để ăn, coi như phần cơm của con trưa nay, nhưng cơm này cũng không được sạch, xin thầy đừng cúng”. Nghe xong, Khổng Tử nói “Thật may nghe được con nói, nếu không ta đã trở thành kẻ hồ đồ”.
 
Thế nên, tuy mắt thấy rõ ràng nhưng có biết được sự thật trong đó không? Nếu là lúc cơm gạo dư giả chứ không phải gặp lúc đói khát thì thầy Khổng Tử đã không nghi Nhan Hồi ăn vụng. Do đang trong hoàn cảnh đó nên mới nghi người đệ tử đói bụng bốc cơm ăn lén. Vậy thì cái thấy bị quy định bởi điều kiện hoàn cảnh chưa chắc đã đúng. Vì vậy, khi tu tập, khi học thiền, chúng ta tu một điều rất dễ mà cũng rất khó, đó là có sao thấy vậy, có sao biết vậy. 

Trong đời chúng ta hay chống trái với nhau vì mình thấy người kia làm như vậy có vẻ không ổn, mình sẽ góp ý cho họ làm tốt hơn. Nhưng người kia sở dĩ làm như vậy vì họ thấy ổn, khi mình góp ý, hai cái ý đụng nhau sinh chuyện. Vậy nếu muốn góp ý mà thấy không ổn, thì cứ để người kia làm theo ý họ, đến khi va chạm dần nhận ra họ sẽ sửa. Chuyện này nghe dễ mà khó làm, vì cái tâm này nhạy quá, vừa thấy là vọt miệng nói ngăn không kịp.  Miệng ngăn không kịp là do tâm lăng xăng xao động.
 
Nên tu tập là thường duy trì tâm lắng, tỉnh, tự nhiên sẽ có sao thấy vậy dễ dàng. Một cái gương thật là gương khi không lưu lại những cái bóng cũ. Cũng vậy, nếu chúng ta chuyện gì đến rồi qua cứ để qua đi, đừng lưu lại những ký ức đó, chúng ta sẽ đỡ khổ, sẽ không giận ai lâu. 


 
 
 

Trong đời sống, cái dụng là soi chiếu. Đối với cảnh ngoài, người ta nói mình trả lời, nhưng lời nói đó qua rồi thì đừng giữ. Nhận rõ điều này mới mong ứng dụng được. Đối với nội tâm thì khi vọng khởi biết đó là bóng đừng theo. Có một câu Hòa thượng Trúc Lâm dạy bao nhiêu năm mà chúng ta làm không xong, đó là “Biết vọng không theo”. Chỉ đơn giản chúng ta biết nó là vọng và không theo, không cần làm gì với cái bóng vọng này, và thật ra cũng không thể làm gì với nó.  Bất cứ khi nào đối duyên hiện bóng, chúng ta biết rõ là bóng, tự nhiên không lầm. Không lầm sẽ không theo và  không dính mắc. Biết đó là bóng, đó là chỗ tu tập hằng ngày.
 
Đến đây chúng ta sẽ thấy một điều rõ ràng, ngay khi không dính mắc là tâm chúng ta tỉnh sáng. Tâm tỉnh sáng thì chính lúc đó chúng ta đang sống với tánh gương. Như vậy, gương và bóng không rời nhau, không xa.  Khi xa thì xa ngàn dặm, nhưng biết nhận thì ngay bóng là gương.
 
Ngày xưa, chúng ta theo những điều phù du thế gian, bây giờ vào chùa thấy quý thầy, quý cô giảng hay quá, chúng ta lại bèn theo Phật pháp. Hai cái theo này bản chất hoàn toàn giống nhau. Ngày xưa chúng ta theo những ưa thích thế gian, bây giờ dù theo một đức Phật cũng là theo bóng. Cho nên, trong nhà thiền nói: “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma”.
 
Chúng ta tu tập để không lầm bất cứ bóng nào. Khi không lầm, ngay đó tánh gương hiện. Cho nên chư Tổ nói “tức tâm tức Phật”.  Chính nơi tâm sanh diệt, nơi cái bóng, ngay đó là gương.  Ngay tình thức sanh diệt này là tánh giác không đâu khác, câu này mình nghe cũng dễ hiểu nhưng khó nhận ra để tu tập.





 ....
Người ta thường nói: “No mất ngon, giận mất khôn”. Rõ ràng giận là không khôn, muốn khôn phải hạ giận, phải bước tới bảy bước, bước lui bảy bước, như vậy ba lần, là để cho có thời gian lắng xuống. Trong nhà thiền hiểu rất rõ cơn giận đó cũng chỉ là một cái bóng. Ngay lúc chúng ta giận, do mất tỉnh táo thấy bóng là thật nên vội chạy theo. Chỉ cần cho chúng ta một chút thời gian thư thả thì chúng ta sẽ nhận ra đó là bóng và không theo. Không theo bóng là trí tuệ. Trong dân gian cũng có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, cũng có ý rằng hãy thư thả.  
 
Trong đời thường chúng ta chỉ nghĩ thư thả để được thong thả, nhưng khi học bài “Gương và bóng” này sẽ thấy rằng, thư thả để chúng ta đủ tỉnh mà nhận ra đó là bóng.  Chúng ta không lầm bóng nữa. Thời gian uốn lưỡi bảy lần hoặc đi tới bảy bước đi lui bảy bước chỉ để chúng ta không lao vào gương và đủ thời gian để tỉnh táo lại. Tỉnh táo là trở về gương. Trở về gương được, sẽ không lầm bóng.
 
 Tuy nói như vậy nhưng cái biết bóng, biết huyễn của chúng ta không rốt ráo. Nếu thật sự rốt ráo thì chỉ cần biết huyễn là lìa, không lầm đâu xa. Khi thật sự biết huyễn là lìa, ngay đó là tánh giác.
 


 .....
Muốn hằng sống chỗ chân thật, chúng ta cần trở về với điều Hòa thượng Trúc Lâm thường dạy mà chúng ta vẫn hay quên, đó là trở về cái biết của sáu căn. “Thấy sắc minh tâm” nghĩa là thấy cảnh bên ngoài, rõ tâm mình. Nếu được như vậy liên tục gọi là hằng sống, được như vậy mới gọi là không lầm bóng. Hòa thượng dạy: “Mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm...” Đôi khi chúng ta không lưu tâm lắm những lời dạy này, nghĩ mình đã rành rồi, không cần tự nhắc như vậy, nhưng khi mắt thấy chúng ta không hề nhớ chân tâm, cứ chạy theo bóng dài dài. 
 
Vậy thứ nhất, cần sống với cái biết nơi sáu căn. Thứ hai, sống với hiện tại. Thứ ba, đi chỉ đi ngồi chỉ ngồi, trên tất cả chớ băn khoăn, có nghĩa là làm gì biết đó, đừng nghĩ ngợi tính toán hoặc tưởng tượng thêm. Lát nữa, khi quý vị đứng dậy thì đứng biết đứng, đi biết đi, đừng băn khoăn gì thêm. Được như vậy gọi là sống với tánh gương của mình. Lâu dần tâm yên tĩnh, thế nào cũng sẽ có một lần tự mình chuyển biến, thâm nhận rõ ràng thế nào là thật, thế nào là giả. Đó gọi là ngộ. Khi chúng ta đã một lần nhận ra thì có một sự thức tỉnh thật sự, chúng ta sẽ tự có sức tỉnh. Nếu chưa có sức tỉnh này, chúng ta cứ tiếp tục tu, đừng tính kể, đừng lo lắng, cứ đều đặn bình tĩnh mà tu. Quyết tâm, trì chí lâu dần sẽ rõ ra cái nào bóng, cái nào gương.
 
Xin nhắc, chúng ta không thể sơ sài, qua loa. Đừng coi thường chỗ này.   Bây giờ lầmbóng chúng ta chưa thấy gì, nhưng ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có ngày đối diện với tử thần. Khi chúng ta đối diện với cái chết, rất nhiều cảnh giới hiện ra trước mắt, nếu lúc đó chúng ta lầm bóng thì sẽ hoảng hốt không biết vớ cái áo nào để mặc, sẽ mang thân nào. Lúc đó, không ai cứu chúng ta được. Chư Tổ nói sanh tử sự đại, đừng coi thường, đừng chần chờ trong việc chuyển cái hiểu biết thành sự sống của mình. Muốn vậy cần luôn luôn rõ, ngay khi mỗi một cái bóng hiện, hoặc là hình ảnh âm thanh bên ngoài, hoặc là ý nghĩ, biết đó là bóng thì ngay đó là gương, không tìm đâu xa. Chỉ cần biết là bóng, không lầm bóng thì đó là gương. Hằng sống với gương như vậy là liễu liễu thường tri.
 
Chúc tất cả chúng ta, từ người nói đến người nghe đều không lầm bóng và luôn sống được với tánh gương này.


























Comments

Popular posts from this blog

Wow, Is the sun smiling at us?

Hãy Nhìn Lại Xuân Qua - Cố Đô Yêu Dấu

Bruce Diaso