Chuyện Gì Đã Xẩy Ra Với Quân Dân Cán Chính Miền Nam Trước và Sau Ngày Hoà Bình Thống Nhất ?


Mùa Hè Tháng Sáu


Vào buổi sáng mùa hè tháng sáu, như vật lộn với cái nóng thiêu đốt, người tù phải nằm dưới đất mới ru được giấc ngủ trong đêm . Tiếng các bạn oang oang “tù binh vượt ngục”.

Sáng nay người quản tù tập họp điểm danh sớm hơn, với nét mặt đầm đầm hiện lên cơn sát khí hận thù, vì thấy mất 4 người tù. Chúng lùa hết chúng tôi vào trong phòng khóa cửa nhốt lại, không cho ăn và cũng không vào rừng chặt nứa, mà trước đây hàng ngày mỗi người tù phải vào rừng chặt đủ 100 cây nứa, rồi lê thê kéo nứa về nạp cho trại. Mảnh nứa nhọn vô tình như tự nhiên cưa đứt, máu chảy tuôn tràn trên da thịt người tù, rồi chỉ âm thầm cởi áo ra bọc lại để cầm máu, máu cũng chảy từ dưới bàn chân dẫm lên những mô đá nhọn bén trên đường vào rừng.

Tưởng rằng chiến tranh đã chấm dứt với người tù binh, thì không còn chảy máu, nhưng máu vẫn đeo đuổi người tù binh như hình với bóng. Sáng nay không phải vào rừng chặt nứa, tưởng máu sẽ tạm ngừng chảy một ngày, nhưng máu lại chảy hơn gấp nhiều lần, bởi một trận đòn thù tập thể của những bóng ma cộng sản hút máu ban đêm.

Bốn tù binh vượt ngục khỏi trại tù Yên Bái là các anh:

Đại Úy Nguyễn Quốc Trụ Lữ đoàn 3 Nhảy Dù
Trung Úy Ngyễn Văn Hiển Thủy Quân Lục Chiến
Thiếu Úy Trần Văn Chờ Sư Đoàn 1 Bộ Binh
Thiếu Úy Hồ Ngọc Hoàng Sư Đoàn 1 Bộ Binh

Trung Úy Chung Tử Bửu Phi Đoàn 219 Sư Đoàn 1 Không Quân, đã sáng tác một bài thơ tại trại tù Yên Bái để tặng các bạn tù vượt ngục, dưới đây là một đoạn:

Giọt lệ mừng rơi trong bát cơm ngô,
thao thức âu lo trằn trọc giấc ngủ.
Ôi! Chim đã sổ lồng, giấc mơ ta hằng ấp ủ,
Thuơng bạn bơ vơ mưa lũ trên rừng.
Mừng các anh buổi sáng mù sương…
Thức giấc nhìn nhau cười!
Nào vách kẽm gai?! Đâu rào nứa nhọn?!

Một ngày cửa phòng tù đóng kín, một ngày nhịn đói, và một đêm hấng đòn thù. Những bó nứa chúng tôi kéo từ rừng về để đan phên che mưa che gió, mới hôm qua đống nứa còn nằm ngổn ngang trên sân co?. Có ngờ đâu, đêm nay nó đã trở thành vũ khí sắc bén cho kẻ thù bó lại, đập túi bụi trên đầu tù binh với một đòn thù tập thể.

Sao kẻ thù không hành hạ chúng tôi vào ban ngày, phải chờ đến đêm tối, với một trung đội vây quanh đốt đuốt sáng choang, để gọi từng người tù ra đập, máu chảy từ trên mặt rơi xuống bộ áo tù, té gục xuống ngất xỉu mà chúng vẫn không nương tay .
Có lẽ chúng là loài ma quái, nên nơi Diêm Vương chỉ cho phép chúng lộng hành vào ban đêm.


Trên thế gian của loài người, truyện vượt ngục cũng chẳng có gì đáng để người đời quan tâm. Cùng lắm là họ xua chó vào rừng để đánh hơi bắt lại, hoặc đem lính đi lùng bắt, nhưng cái thế giới riêng của những con ma quỉ cộng sản, thì phải có một hành động tàn bạo khác lạ với loài người. Nếu có tù vượt ngục, thì cả trại tù cùng phải ăn đòn thù tập thể.

Tôi không muốn ghi cảnh mùa hè tháng sáu vào cuốn nhật ký này, vì nó thảm thương quá! Tôi có thể vừa khóc vừa viết nó. Tôi tự hỏi có tù binh nào trên trái đất này có cảnh hành hạ tàn nhẫn, như cộng sản Hà Nội đà hành hạ tù binh Hạ Lào chăng? Nếu nó là truyện bình thường như thế gian này đã từng xẩy ra, tôi nghĩ nó là hư cấu. Nhưng đàng này nó là một cuốn hồi ký của chính người tù đã sống trong cuộc, nó phải được phản ánh “trung thực” những điều gì đã xẩy ra, bởi vì nó không phải là thứ nảy sinh do trí tưởng tượng của người viết.

Trong 4 người tù binh Hạ Lào vượt ngục, một người đã chết, một người đang mang trọng bệnh, một người đang sống tại vùng kinh tế mới, một người đang sống ở Mỹ với sức khỏe sa sút.

Các anh vượt ngục như các cảm tử quân trong chiến tranh, phải đi vào đất chết mới có thể hoàn thành, nếu được thành công về miền Nam, các anh sẽ là nhân chứng sống, để vạch trần sự xảo trá côn đồ của phe cộng sản trong bàn Hội nghị Paris, chúng đã nói là tù binh Hạ Lào do lực lượng Pathet Lào bắt, cố tránh không trao trả tù binh Hạ Lào.

Nhưng tâm đã định chí đã quyết, nên vẫy vùng với hiểm nguy, ngày ăn lá cây, uống nước suối, đêm ngủ trên cây để tránh thú dữ mà chí vẫn không sờn. Các anh đã đi được hàng trăm cây số đường rừng, qua Sơn La, Sầm Nứa đến cánh đồng chum thuộc ranh giới Lào. Cả một tháng trời mưu sinh thoát hiểm cho đến khi hơi cùng sức kiệt, các anh bị bắt lại và chịu một trận đòn thù “thập tử nhất sinh” để máu mình chảy thêm nơi nhà tù Yên Bái.

Trích Hồi Ký “Đôi Mắt Người Tù Binh” của Lê Đình Châu





..............

Rồi cũng qua một muà Đông. Một mùa Đông tang thương, thê lương trên khắp nẽo đường đất nước. Cả miền Nam biến thành một trại tù khổng lồ. Bốn tháng sau tôi bị chuyển về giam tại xã Ngãi Giao, Quận Đức Thạnh. Chỉ cùm hai chân ban đêm nhưng ban ngày vẫn xiềng một tay vô một chân để đi lao động. Từng đoàn tù với xiềng xích kêu loảng xoảng trên đoạn đường gần làng Bình Giả, tôi lẩm bẩm hát baì Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ thật thấm thiá: ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người, nụ cươì muôn đời là một nụ cười không tươi, nụ cười xa vời, nụ cười của lòng hờn sôi, bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!!! Trung Uý Nguyễn Văn Tài lúc nào cũng chỉ một câu vọng cổ trong "Chuyện Tình Lan và Điệp": "Em tên là Nguyễn thị Lan (g), xác còn nằm đó mà hồn tan (g) đâu rồi!!"

Ở đây tuy ấm hơn nhưng rất khó ngủ vì hàng đoàn rệp tấn công cả ngày lẫn đêm. Cũng tại nơi này, hai thằng em tôi là Đồng Quang Nhường và Nguyễn Văn Hiển bị đánh chết. Hai em trốn trại bị bắt lại. Chúng trói hai tay hai chân rồi treo lên xà nhà như đang khiên hai con heo. Đích thân thằng Trại Trưởng dùng búa gỗ (một khúc cây tròn đường kính cỡ 15cm, dài khoảng 30- 40cm, đục một lỗ ở giữa tra cán vào, cán dài khoảng 1m, dùng để đập tôn cho bằng). Nó vung thẳng cánh đập một nhát vào đầu Đồng Quang Nhường nghe bộp như đập 1 quả dừa. Nguyễn Văn Hiển ngoái đầu nhìn lại, thuận tay nó vớt một búa ngay quai hàm của Hiển, quai hàm trẹo lặt qua một bên, máu vọt ra có vòi. Tôi nhắm mắt lại kêu Trời! Cố bịt miệng để khỏi la thành tiếng. Cả hai xác Hiển và Nhường co giật vài lần rồi buông thõng. Vài phút sau, chúng cắt giây thả hai xác xuống. Tôi và 3 người nữa tình nguyện đi chôn. Cả hai xác còn nóng hổi được đặt nằm trên tấm gỗ dài khoảng 1m8, rộng 23 phân, hai cánh tay
đong đưa theo nhịp bước, nhất là theo cái cà khọt khấp khểnh chân què của tôi. Hiển máu vẫn còn chảy toong toong trên đường. Cái đầu của Nhường ọp ẹp như quả cà chua úng, hai mắt lồi lên, mặt sưng tím bầm. Đất tổ ong mà dụng cụ đào chỉ là mấy cái xẻng cũ. Trung Uý Tài nhỏ cho nhất nhưng là người khoẻ nhất, hăng hái nhất:

"Mấy ông ráng đào sâu cho hai đứa nó".

Cố gắng mãi đến tận mặt trời lặn cũng chỉ đào được khoảng 7 tấc. Cả hai xác đều bị chôn nguyên trạng, không áo quan, không poncho hay chiếu bó lại. Tôi ráng gom vài mảnh báo cũ phủ mặt cho hai em. Xếp vài cục đá xung quanh đầu rồi lấp đất nhè nhẹ như sợ hai đưá bị đau.

Đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Khoảng nửa khuya, tôi nhìn thấy thật rõ ràng: Nguyễn Văn Hiển đang đứng bên cửa sổ phòng giam, không nói gì, đôi mắt thật buồn nhìn về xa xăm. Tôi nói thầm:

"Hiển ơi, thôi em hãy đi đi, đừng luyến tiếc gì cõi đời giả tạm naỳ. Nghiệp báo em đã trả xong, đừng oán ghét, đừng hận thù, hãy để cho lòng thanh thản mà siêu thoát...."

Tôi cứ nói như thế, lặp đi lặp lại dỗ dành, van lơn. Lâu lắm, bóng Hiển tan dần rồi biến mất. Hình như có tiếng người trở mình bên cạnh tôi, tôi xoay qua. Trong bóng tối mờ mờ, tôi nhận ra Đồng Quang Nhường. Hai anh em đang nằm trên một toa xe lửa, dưới lưng cái gì bầy nhầy như phân trâu bò. Tôi hỏi nhỏ:

"Chúng nó đưa anh em mình đi đâu đây?"

"Chúng nó sẽ đưa anh ra Bắc nhưng anh đừng lo, Nhường lúc nào cũng lạc quan, mọi việc sẽ rất tốt đẹp, rồi anh sẽ vinh quang nơi xứ người."

Tôi cười khẩy:

"Mẹ kiếp, cái thân tàn tật tù tội trên đất Bắc mà vinh với quang cái khỉ khô gì." Nhường cười. Hai anh em cùng cười với nhau. Tôi bừng tỉnh. Chơ vơ. Thì ra đó là một giấc mộng.

Mấy tháng sau tôi nhận được lệnh:"tha thụ hình, cho phép đi cải tạo." Tôi bị chuyển qua trại Long Giao rồi sau đó chuyển ra Bắc. Nằm trong toa xe lửa trên đoạn đường từ Hải Phòng lên bến phà Sông Hồng với toàn phân trâu bò, tôi chợt miên man về giấc mộng cũ, nghĩ về hai thằng em chiến hưũ, về thân phận mình, về dân tộc và quê hương cơn quốc nạn, thấy lòng dậy lên bao nỗi xót xa.....Con taù vẫn băng băng trong đêm tối, bánh xe chạm rít vào đường sắt như những lời than khóc hãi hùng. Kiếp tù đày rồi đi về đâu?



Phải nói bạn nào có thời gian ở trại Vĩnh Thạnh khi đọc dòng hồi ký này, không thể nào quên được một nơi gọi là ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN đúng nghĩa của nó, không nơi nào ghê sợ hơn. Vì trại nằm trong rừng sâu, lam sơn chướng khí. Tổng số binh sĩ bị bắt vào thời điểm cao nhất ở đây có thể lên đến cả ngàn người, nhưng sau hơn 4 tháng, số tử vong lên đến cả trăm. Sốt rét chết, đói mà chết, bị đánh mà chết. Các đơn vị bộ đội cộng sản ở đây đa số đều là những cán binh CS trở về từ Côn Đảo, lòng nung nấu thù hận. Họ muốn trả những trận đòn thù trên các người lính Cộng Hòa còn chút sĩ khí đã ở lại chiến đấu để bảo vệ quê hương. Có 1 anh Trung Úy người miền Nam trước kia nguyên là giáo sư bị bắt vào trại cùng thời gian với chúng tôi, vì quá căm phẫn trước sự hành hạ của bọn chúng, nên chạy ra vọng gác giựt súng AK của tên bộ đội đang gác cổng nhưng không thành công vì cơ thể suy nhược, ăn uống thiếu thốn làm sao khoẻ bằng chúng. Sau khi giựt súng không được, anh ta bị rược chạy vòng vòng trong trại. Vì trại quá đông người nên chúng không bắn được. Vì không còn đường thoát, anh ta chạy đến bên những chảo nước đang nấu để cho tù uống và nhảy vào chảo! Thật là rùng rợn và thương tâm! Chúng dập tắt lửa, mang anh ta ra ngoài, nhưng anh ta vẫn còn sống. Anh ta chửi rủa bọn CS luôn mồn:

"Đả đảo Cộng Sản. Quân dã man khát máu".

Chúng cho khiêng anh vào trạm xá. Thật ra chỉ là một cái nhà nhỏ, vài lọ thuốc, vài lọ cồn mà thôi. Anh ta vẫn chửi liên hồi. Chúng lấy đất sét cho vào miệng, lấy cây dộng cho đến khi hết thở. Ôi! các bạn có hình dung được con người hay là ác quỷ nhỉ.

Tôi có người bạn ở cùng quê tên Phan Duy Liêm, cấp Tr/Uý ĐĐT/ĐPQ cũg bị bắt vào trại này, tôi không nhớ anh đã làm gì phật ý chúng mà buổi chiều hôm đó, tôi chứng kiến tận mắt, 3 tên bộ đội đứng 3 góc đánh anh từ góc này văng sang góc kia, như là người ta chuyền bóng. Là thân phận tù sao dám chống trả chúng. Sau khi anh được thả ra, lục phủ đã bị dập nát, đã bị tổn thương. Mặc dù thời gian sau được gia đình tiếp tế thuốc men chữa chạy, sau hai năm hao tổn, anh đã lìa đời, bỏ lại một vợ và một con thơ, là bà con họ hàng với gia đình tôi.

Trích "Tháng Ba Định Mệnh" của Võ Đức Nhuận

http://music.hatnang.com/node/1017

.............

Hai vệ binh dẫn tôi ra khỏi hàng đi về phía nhà kỷ luật. Đến cửa, một tên mở còng, tên kia lên đạn chỉa ngay vào tôi, giá như lúc ấy tôi chỉ cần làm một động tác nhỏ như sắp chạy là hắn bóp cò liền. Mở còng xong, một tên ra lệnh, cởi quần áo ra. Sau khi đã rờ khắp áo quần, thấy không có vật gì trong túi, hắn bảo tôi:

“Cho mặc một quần đùi thôi”.

Rồi cánh cửa thật nặng nề được mở ra, ánh sáng từ ngoài hắt vào, tôi nhìn rõ căn phòng vừa đủ một người nằm, dưới nền trải đá sỏi đỏ, loại đá như đá ong. Họ cố tình làm chỗ mô cao lên, chỗ thấp trũng xuống. Phía dưới khóet một cái lỗ để vừa cái xô nhựa. Tên vệ binh đẩy tôi vào, bắt nằm xuống và hắn nói rất dịu dàng, nhân đạo:

“Muốn tay nào, chân nào?”

Tôi đáp:

“Chân trái, tay trái”.

Một thanh sắt tròn bằng cổ tay, chạy dọc suốt hai bề dài căn phòng, tay trái và chân trái tôi bị còng treo lên thanh sắt này, toàn thân tôi nghiêng về một phía. Sau khi kiểm tra lại hai cái còng, chắc ăn, một tên bảo tôi:

“Nằm đó, suy nghĩ đi trước khi về chầu ông bà”.

Rồi hai tên lặng lẽ ra ngoài, khóa cửa chặt. Căn phòng trở nên tối thui, không còn nhìn thấy gì, mùi hôi thối hòa lẫn mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc, mãi sau ánh sáng dần dần hiện ra, mờ mờ, ảo ảo qua một cái cửa con nhỏ xíu, cửa này là chỗ để cho tôi mỗi ngày một ly nhựa nhỏ nước lạnh, một chén cơm, thực ra chỉ được bằng miệng chén mà hai phần ba là khoai lang hay khoai mì. Năm phút sau, tay và chân trái tôi nhức nhối, rã rời, toàn thân tê cứng vì những cục đá sỏi cấn vào lưng, tôi cố cắn răng, mím chặt môi chịu đựng, trong lòng chỉ biết cầu xin Chúa giúp sức.

Cứ mỗi tuần một lần, một cán bộ và hai tên võ trang lại đến mở cửa, mở còng cho tôi, tên cán bộ chỉ hỏi một câu:

“Động cơ nào khiến anh kích động Hà giết Trung?”

Chờ tên cán bộ ghi chép xong câu trả lời của tôi rồi đi, hai tên võ trang dẫn tôi đem cái ox đi đổ rồi dẫn ra chỗ cái giếng, múc nước lên rửa ox , xong đâu đấy lại vào cùm tiếp. Nhưng chỉ được hai tuần đầu, tuần lễ thứ ba tôi không còn đi nổi nữa, hai tên vệ binh thấy vậy cũng chẳng cần, khóa cửa đi luôn.

Đã gần một tháng trong nhà kỷ luật, tôi thấy hết hy vọng về gặp lại vợ con, tinh thần sa sút, thể xác rã rời, đúng là chỉ còn da bọc xương, không còn sức đề kháng, tôi chỉ biết thầm thì cầu xin ơn trên. Thấy cái chết đã cận kề với tôi, vả lại không thấy tôi thay đổi câu trả lời, lần nào tôi cũng thuật lại những gì Hà nói và những câu tôi trả lời Hà.

Một buổi sáng nọ, tôi đang mơ mơ màng màng bỗng nghe tiếng mở khóa lách cách. Hai tên võ trang quen thuộc xuất hiện, kèm theo hai trại viên đi theo. Một tên vào mở hai cái còng thả tay chân tôi xuống, tay trái, chân trái tôi lúc bấy giờ mềm nhũn. Hai trại viên được lệnh vào dìu tôi ra, hai anh đưa tôi về trạm xá và tôi được tha khỏi nhà kỷ luật, nhưng cắt thăm nuôi hai tháng. Nhờ gia đình gửi lén đồ ăn vào và vài anh em tốt bụng giúp đỡ, dần dần tôi hồi phục và tiếp tục lao động cho đến ngày thật sự cầm trong tay Giấy Ra Trại, sau gần 7 năm đọa đày trong kiếp tù cải tạo, khổ sai dưới chế độ Cộng Sản.
.................

Trích "Một Nhân Chứng Sống" của Thanh Phong


Trích Những Người Tù Đói của Tạ Thành Lộc

CƠM VÀ MÁU
Trại 3 Văn Bàn - Lào Cai

Một hôm, tổ lao động chúng tôi gồm 10 người công tác trát tô vách nhà khu vực chúng ở. Công việc gồm có: đào cái hố, đường kính khoảng 3 thước, sân khoảng 6 tấc, gọi là cái "chảo". Đổ nước, bỏ đất và rơm xuống. Chúng tôi thay nhau đứng vào "chảo", dùng hai chân đạp liên hồi. Đạp hoài cho đến lúc đất và rơm trộn lẫn vào nhau nhuyễn nhừ gần như bùn. Cộng Sản phát minh ra cách làm xi-măng, không tốn tiền chỉ dùng sức lao động của tù cho đúng với câu "nước sông, công tù".

Khi nào tên cai tù bảo "Được!" Chúng tôi bốc bùn bỏ vào cái ky -đan bằng tre-đem đến những bức vách nhà đan mắt cáo ô vuông bằng tre, dùng hai tay bốc bùn đất bện, trét vào vách (thay cho xi-măng tô tường nhà). Bụng đói, chân run, đạp đất khoảng một lúc lâu, anh em ai nấy muốn ngã quỵ. Hai củ khoai mì, giống như hai khúc đèn cầy nhỏ, phần ăn sáng không đủ để chúng tôi đứng vững, huống chi phải đạp đất liên tục suốt buổi.

Tên bộ đội còn trẻ độ 18, 19 đứng nhìn chúng tôi, luôn mồm hạch sách, nạt nộ. Hắn chê chúng tôi làm chậm, ù lỳ, thiếu chất lượng.

Đến xế trưa, hắn nắm một vắt cơm, ném cho con chó. Chó chạy đến ngửi. Có lẽ quá no hay thiếu thịt, nó chê, quẫy đuôi bỏ đi.

Một anh trong tổ chúng tôi, tên anh là Kh, không hiểu nghĩ sao....(Ở tù lâu quá quẫn trí, anh hơi mất bình thường, lúc vui, lúc buồn, cả ngày không nói một tiếng , vợ con anh đều chết trong chuyến xe bị Việt Cộng đặt mìn nổ tung), anh đi lại cầm vắt cơm dính bùn đất, đưa vào miệng, chưa kịp ăn. Tên bộ đội nhảy sấn đến đánh Kh. mấy thoi vào mặt, văng cả cơm chan hòa máu rơi vãi.

Kh. đã lớn tuổi, đáng bậc cha chú vậy mà hắn không một chút nương tay, biểu hiện lòng căm thù "lính ngụy" cao độ, hắn ra tay hung bạo.

Chuyện mỉa mai, chửi thẳng vào mặt lũ chúng là mới vừa đêm qua, trong buổi chiếu phim bắt chúng tôi phải xem để học tập tiến bộ. Chúng đã chiếu phim "Chị Dậu" cảnh vì nhà nghèo, chị Dậu quá đói phải đem con cho đi ở đợ nhà điền chủ. Chủ nhà cho con chị Dậu ăn phần cơm thừa của chó. Chúng đã lớn tiếng lên án cảnh trong phim là dã man, vô nhân đạo, người bóc lột người.
........

Trong Toa Chở Súc Vật

 Độ khoảng nửa giờ sau, tàu hoả từ xa kéo còi nặng nề chạy đến. Chúng tôi được dẫn đến gần tàu. Tất cả đều ngỡ ngàng khi nhận thấy đây là những toa tàu dành riêng chở súc vật. Lại một lần nữa, điều bi thảm cùng cực ập đến với chúng tôi. Đối với Cộng Sản, lũ người man rợ, trâu bò còn giá trị hơn chúng tôi. Trước đây, khi chuyên chở súc vật, hẳn nhiên sợ chúng chết, cộng sản chỉ chở vừa đủ số lượng. Còn bây giờ, đối với con người tuy cùng máu mủ đồng bào với nhau nhưng khác chiến tuyến. Chúng ra lệnh, lên xe phải dồn vào, dồn nữa, leo lên nữa.... mặc cho tiếng kêu la, giẫm lên nhau của những người đã lên trước.

Mỗi toa tầu dài khoảng 5 thước, thay vì chở được 50 người, chúng bắt buộc lên xe ép sát vào nhau, sao cho đủ số 80. Người này ngồi lên chân người kia, gần giống như cá mòi trong hộp. Thật là khủng khiếp, dã man hết chỗ nói. Ngày trước, Đức Quốc Xã đối xử tàn ác với dân Do Thái có lẽ cũng đến như thế này là cùng. Không còn một khoảng trống nhỏ nào trên toa tàu. Chúng đóng cửa lại, khoá ở ngoài. Tám mươi con người chỉ hít thở không khí với một lỗ thông hơi khoảng chừng 4 tấc dài, 2 tấc ngang.

Sau 3 ngày đêm dưới tàu thủy, chúng tôi đã ngất ngư kiệt sức. Được cho lên bờ tưởng đã thoát nạn. Bây giờ ngồi bó gối, đè lên nhau trong toa dành cho súc vật, ai nấy đều căm phẫn trước hành vi bạo ngược, độc ác của bè lũ cộng sản tự nhận là đang tiến hành cuộc cách mạng xã hội khoa học và nhân đạo. Chúng tôi hối hận thì đã quá muộn. Cá đã nằm trong rọ. Quá muộn cho những con người lầm lỡ dễ tin, nghe theo lời lừa phing đi trình diện học tập trước "chính sách khoan hồng nhân đạo". Tàu vẫn nằm ì, không chịu chạy. Nóng bức, chật chội, ngột thở. Mới có trên đường đi đến trại cải tạo miền Bắc, chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều tủi nhục đắng cay. Tôi tự trách bởi hèn(?) không dám tự kết thúc đời mình ngày mất nước 30/04/1975 như các vị tướng anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú....và rất nhiều vị khác, những anh em tuẫn tiết khác, nên phải ngậm đắng nuốt cay "ngậm mối căm hờn trong cũi sắt". 

Hôm nay, nơi trang giấy này, chỉ ôm ấp duy nhất một ước vọng: nói lên cái dã tâm độc ác, bịp bợm dân chúng trong nước và dư luận thế giới về chính sách khoan hồng nhân đạo đối với sĩ quan, viên chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Muốn mạnh dạn tố cáo, vạch trần tội ác tày trời của chúng. Muốn thét gào to lên để thế giới hãy lắng nghe và hướng về Việt Nam nơi đang có hàng ngàn trại cải tạo, và hàng chục ngàn con người đang sống oằn oại rên xiết dưới ách thống trị tàn ác, khốn nạn dối trá của bè lũ cộng sản. Thiết tha mong muốn những chiến hữu bà con cô bác, anh chị em...đã may mắn thoát được ra nước ngoài trước ngày mất nước chưa biết tường tận về cộng sản, nay biết rõ hơn bộ mặt thật của chúng.

".....Xót xa ô nhục đoạ đày
Tôi muốn kêu to trong căm giận, đen dày
Cho nhân loại trăm miền nghe thấy....."
(Nguyễn Chí Thiện)

Xin trở lại chuyến tàu kinh hoàng trên đường đi đày. Sau 2 tiếng chúng tôi ngồi trên xe, tàu kéo còi, bắt đầu chạy. Không khí chuyển động, đỡ ngộp thở đôi chút. Mùa hè đầu tiên ở đất Bắc quá nóng. Chúng tôi bị nhốt chật chội trên toa xe, mồ hôi vã ra ướt đẫm quần áo. Chịu không nổi, ai nấy đều tự động thoát y, chỉ còn mặt cái quần đùi. Lấy áo làm khăn, vừa mới lau mặt, hai tay, hai chân, ngực, lưng thì trở lại lau tiếp, mặt, tay, chân, ngực, lưng....Cứ như thế, lau không ngừng tay. Mồ hôi tuôn đẫm như tắm hơi. Mồ hôi xuất ra nhiều, anh em mệt lả.....Đến những ga vào giờ ăn trưa và chiều, cánh cửa toa được mở ra trong vài phút để nhận khẩu phần. Thức ăn là những củ khoai lang luộc để trong thúng.

Tất cả đều mệt, khát nước, không ai buồn lấy ăn dù bụng có đói. Thèm nước, thèm nước vô cùng, ước ao sao có được một chút nước thấm giọng. Cái khát bỏng cổ, nóng, chật, làm con người đâm ra bực bội, khó tính, cau có, gắt gỏng với nhau.....

Tàu hoả vẫn chạy. Đến ngày thứ 2, chúng tôi không còn chịu đựng nổi cơn khát hành hạ dày vò.....Những tiếng kêu, rên bắt đầu phát ra mỗi khi tàu ngừng ở ga để tiếp tế than đá.

-Anh ơi, khát quá anh ơi. Cho xin miếng nước anh ơi!

Bọn lính cộng sản có nhiệm vụ áp tải chúng tôi ngồi riêng biệt ở một toa hành khách. Khi tàu dừng lại, chúng xuống xe, đi qua đi lại dưới đường canh những toa nhốt chúng tôi để kiểm soát.

-Mở cửa chút anh ơi! Ngộp thở quá, muốn ngất xỉu...

Đáp lại, bọn chúng vẫn thản nhiên trước nhữg tiếng kêu gào.

Đến trưa ngày thứ hai, trong toa của tôi có hai anh bất tỉnh bị kiệt sức, ngộp thở. Chúng tôi la to báo động, xin cấp cứu....nhưng hoài công. Tàu vẫn chạy. Đợi đến ga, tàu dừng lại, mang được 2 anh ra khỏi toa, cả 2 đã tắt thở. Chúng tôi ngậm ngùi nhìn xác đồng đội xấu xố nằm bên cạnh đường rầy....mà oán hận, căm phẫn bọn cộng sản mọi rợ, ác độc hơn loài thú. Chúng đã bịt tai làm ngơ trước tiếng kêu xin cầu cứu báo động của chúng tôi. Tàu tiếp tục chạy, cửa vẫn đóng kín mít. Vẫn không được cấp phát nước. Một vài tiếng cãi vã trong toa tuy chẳng có lý do gì chính đáng. Cơn khát nước, nóng bức cơ hồ làm chúng tôi phát điên.
.........

Tạ Thành Lộc
Trích "Chuyện Người Tù Cải Tạo" tập I/2007



Tiếng Gọi Không Thể Vọng Ra Bên Ngoài

Nhà tù của tôi
Rất nhiều tiếng gọi không thể vọng ra bên ngoài
Những tiếng gọi bỡn đùa sự hoang vắng
Những tiếng gọi chọc cười niềm trắc ẩn
mà tôi nghe ròng rã nghìn đêm
mà tôi nghe tưởng đã khùng điên
bởi một lần vĩnh biệt
báo cáo cán bộ : Cachot có người chết


Thế giới vẫn phóng lên sáng rực tín hiệu nhân quyền
Và nhà tù của tôi vẫn bóng tối triền miên
ở biệt giam hàng chục kiểu còng ngồi còng đứng
còng chéo hai tay còng chung một cụm
còng rướm ngón chân còng dộng ngược đầu
còng khoan dung một lối chết thật lâu
để thấm thía lòng yêu Tự Do Dân Chủ
Báo cáo cán bộ: Cachot có người tự tử


Nhân loại thường cảm thông
nỗi khổ theo mùa màng
và phải rất thời trang
nên cụ thể dễ biến thành trừu tượng
nỗi khổ khác hẳn niềm sung sướng
nó cần quên ngay
nó không được phép rên xiết dài dài
một đêm mưa lạnh
tôi nghe tiếng trẻ thơ
kêu kinh hoàng trong hiu quạnh
Bố ơi bố ơi
Mẹ chết rồi
Anh khó hiểu nhà tù của tôi
Người cha bị lưu đầy ra hải đảo
Người mẹ mang bầu dắt con theo ... cải tạo .

Duyên Anh

................

Anh Nguyễn Văn Hải bị nhốt chết khô vì sức nóng của
thùng sắt Mỹ sau 4 tháng trời biệt giam.

-Anh Bùi Thiện Thọ, huấn luyện Vô vinam trường Chí Linh-Vũng Tàu, anh bị cùm hai chân, hai tay bị xiềng và treo trên sàn nhà đá, tay anh bị nhiễm trùng, thịt bị vữa, dòi rút đầy người và cuối cùng anh đã chết.

-Anh Lê Văn Tý, Điều Xiểng, anh Hợi, anh Quyền và 5 anh em khác (tôi không nhớ tên) bị biệt giam và tra tấn cho đến chết .
........

Một thời gian sau Út Nhân lên làm trưởng trại thế Tư Hằng. Hắn là một tên đao phủ giết người không gớm tay, hắn còn độc ác và tàn bạo hơn những tên trước. Hắn đã ra lệnh nhốt rất nhiều tù nhân vào nhà đá và xà lim. Có nhiều tù nhân đã bị biệt giam từ 1 năm đến 2 năm. Tôi chỉ còn nhớ những anh em quen biết như Trần Phước H, Nguyễn Văn Đ, Trương Phước X, Nguyễn Trọng T, Đỗ V. B, Đỗ Minh G, anh Năm H.

Bảy anh em này bị công an trại dùng bao bố bịt miệng và mũi đổ nước vôi vào cho đến khi ngộp thở.

Cột tù nhân vào ghế dùng điện găm vào người nhiều lần làm cho người co quắp lại.

Cột tay và chân tù nhân và treo chân ngược lên sàn nhà, dùng cây hay roi sắt đánh và quất vào người đến nứt da nứt thịt.

Bốn là rút kiếm Nhật giống như một võ sĩ đang rút kiếm đeo sau lưng. Tay trái choàng ra sau ngang thắt lưng, tay phải để trên vai phải bẻ ngược về phía sau, 10 ngón tay được cột lại với nhau bằng những sợ dây và siết chặt hai đầu bàn tay lại làm cho hai cánh tay và xương sống có thể bị gãy, đau đớn vô cùng, người nào chịu không nỗi cực hình này nên khai bậy cho người khác như trường hợp anh Đỗ Minh G. đã khai cho vợ con, khiến cả gia đình anh đều bị bắt nhốt.

Bất cứ tại những trại Cộng sản nào, trại thường dùng những thủ đoạn bắt nhốt như vậy để răn đe và trấn áp những tù nhân khác. Anh Đỗ Văn B và Đỗ Minh G. sau khi được ra khỏi nhà biệt giam, thân hình rất tiều tuỵ, chỉ còn da bọc xương, không còn khả năng đi đứng được phải nhờ anh em cõng về trại. Dù vậy, Út Nhân chưa chịu buông tha cho hai anh, chỉ được nghỉ dưỡng sức vài ngày và sau đó, hằng ngày hai anh bị xiềng một tay vào trụ sắt còn 1 tay cm búa đập đá, nhìn hai anh như xác không hồn

Đây có phải là sản phẩm hòa bình, nhân đạo, độc lập tự do hay là chứng tích của sự độc tài, tàn bạo của tập đoàn Cộng sản Hà Nội theo chủ thuyết ngoại lai??

Trích "Những Xác Chết Trên Mãnh Đất Hình Cong Chữ S" của J. Nguyễn


 
Tiếng Gọi Cấp Cứu Trong Đêm Giao Thừa


Dưới đây là một mẩu chuyện rất thương tâm trong trại tù Nam Hà A, hầu như đã bị phai mờ trong ký ức của các bạn tù trại này khi được trả tự do (phải chăng vì bôn ba kiếm sống hay nỗi đau này không liên hệ gì đến chuyện "chúng mình"?)

Một công an trại đã có lần nói với anh em rằng hàng năm, mỗi lần gần đến ngày 2/9 thì lực lượng công an phải tổ chức việc truy lùng xét bắt các phần tử xấu như trộm cắp, xì ke ma túy, cờ bạc và không hộ khẩu....đưa đi cải tạo trong các trại giam hình sự, sau khi kêu án nặng nhẹ tùy theo tội trạng.

Trại Nam Hà A có hai dãy nhà dành cho tù hình sự chắn ngang khu tù chính trị bởi một bức tường đá cao gần 4 thước do anh em chúng tôi xây lên từ năm 1976 , khi mới được chuyển ra trại này.

Năm 1982, vào khoảng 23,24 tháng chạp, trại có nhận một số tù hình sự hầu hết tuổi từ 12 đến 16 , đầu cạo trọc, thân hình ốm yếu, gầy còm, đầy ghẻ chốc. Sở dĩ chúng tôi để ý đến là vì trong buổi cơm chiều, khi ngồi dựa bức tường để dùng bữa thì thấy có vài em leo lên tường hỏi xin chúng tôi thuốc lào và cơm.

Các em cho biết là đã ở 2, 3 trại khác trước khi đến Nam Hà, từ trước 2/9. Gia đình không khả năng tiếp tế và cũng không biết các em đang ở đâu mà tiếp tế, do vậy các em thiếu thốn đủ thứ, thậm chí phải bán đi bộ quần áo tù để mua thức ăn thêm.

Nhìn kỹ các em chỉ độ 9, 10 tuổi so với trẻ em trong miền Nam.

Sáng ngày 26 Tết, anh Vinh thuộc đội mộc ở cùng buồng cho biết là giám thị trại ra lệnh cho đội cố gắng hoàn tất 15 quan tài trong 2 ngày và quản giáo trại cho biết là nếu có trại bạn nào cần thì sẽ chuyển đến đó.

Theo thông lệ, mỗi khi Tết đến thì anh em tù chính trị cũng như tù hình sự đều được tăng khẩu phần trong chiều 30, ngày mồng 1 và trưa mồng 2 Tết, lẽ tất nhiên là toàn ban giám thị sẽ được chiêu đãi rềnh rang hơn. Anh em mỗi người được lãnh một gô rưỡi cơm (gấp 3 lần) cộng với một lạng thịt heo, một lạng thịt trâu và canh bí hầm xương trâu. Ngoài ra còn được cấp phát một phong bánh quy và một gói thuốc Tam Đảo (loại thuốc thơm). Chiều 30 Tết, các buồng đều được thông báo là đúng giờ giao thừa trưởng trại và toàn bộ ban giám thị sẽ lần lượt đến thăm các buồng và chúc Tết anh em. Riêng anh em chúng tôi thì khi màn đêm buông xuống, đèn điện thắp sáng, anh em từng nhóm tổ chức trà bánh để chúc Tết, ôm hôn nhau và tưởng nhớ đến gia đình ở tận miền Nam xa xôi. Đến giao thừa, sau một loạt pháo nổ, điểm theo vài loạt đạn AK, cửa buồng được mở rộng, và từ trưởng trại cho đến cán bộ trong ban giám thị "mang hia đội mão" chỉnh tề, quân hàm trên cổ và vai, huy chương đầy ngực, trịnh trọng bước vào phòng trong khi anh em tháo mùng xuống, ngồi dậy tại chỗ để chào đón họ.

Một cán bộ giới thiệu cùng anh em là đêm nay trưởng trại và toàn ban đến chúc Tết, anh em và gia đình, trở thành người công dân tốt của XHCN....Trong khi đó thì văng vẳng bên tai chúng tôi tiếng kêu cứu thống thiết, kinh hoàng từ hướng trại tù hình sự:

-Buồng....xin cấp cứu! Buồng.....xin cấp cứu!

Nhưng tiếng vỗ tay rầm rang vang lên từ phía cán bộ, tiếng cười nói lao xao của đoàn người tháp tùng dường như che lấp hết cả. Và ngay anh em chúng tôi cũng chẳng buồn để ý vì các tiếng gọi xin cấp cứu trong đêm vẫn thường xảy ra mỗi khi trong buồng có người bệnh.

Qua đến ngày mồng 3 Tết, đội mộc lại có lệnh công tác (thay vì đến mồng 4 mới xuất trại). Anh Vĩnh về cho biết là đội phải qua buồng 10 (buồng trống) để dở ván đóng gấp 3 quan tài ngay trong buổi sáng hôm đó. Cộng lại với số đã đóng trong ngày 26 Tết là 18 cái.

Dù trại đã có các biện pháp bưng bít các sự việc xẩy ra trong ngày Tết, nhưng anh em phía bên tù hình sự và bệnh xá cũng đã tiết lộ là có một số anh em tù hình sự, trong đêm 30 Tết, vì ăn quá no nên bị bội thực, được đưa qua bên bệnh xá để chờ chết. Sau này một vài bác sĩ (phe ta) được gọi đến trong đêm giao thừa, kể lại họ rất đau lòng chứng kiến một số đông cái chết của anh em tù hình sự. Đến ngày mồng 4 Tết, chúng tôi thấy các em tù hình sự còn lại đang di chuyển đến một trại khác, hướng xã Ba Sao. Có lẽ đây là biện pháp bảo mật của trại.


Cũng trong ngày này, tôi có dịp đi ngang qua nghĩa trang tù "Trại Nam Hà A" để lấy củi cho đội, lòng tôi se lại và không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hằng loạt ngôi mộ mới đắp sơ sài, không một tấm bia.

Phải chăng đây là "thế kỷ sa tăng" mà bài xã luận báo New York Times số 26 - 1 - 95 trong lời mở đầu đã viết: "Nói một cách bi quan thì đây là thế kỷ sa tăng. Không có một kỷ nguyên nào trước đây cho thấy loài người lại bày tỏ một khuynh hướng và sự thèm muốn thật mạnh mẽ đến độ giết hàng triệu người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chánh kiến và giai cấp".

Và sau này có vài bạn tù nói úp mở: "Thôi cũng nhờ ơn Bác, Đảng và nhà nước XHCN mà các em được "chết no hơn sống đói". Chí lý thay!

Mẩu chuyện trên đây, nếu không được ghi lại trên những trang hồi ký này, có lẽ những cái chết đau thương, oan ức của thế hệ trẻ Việt Nam miền Bắc sẽ bị đắm chìm trong quên lãng, không những ngay trong ký ức của anh em trại tù Nam Hà A, mà còn ngay trong lương tri của một dân tộc đang vươn mình lớn dậy trong khổ đau, tang tóc, vẫn không bao giờ - tuyệt đối không bao giờ - chấp nhận và dung túng cho sự tàn bạo, cuồng sát lộng hành.


Nguyễn Đình Hoài

Trích "Chuyện Người Tù Cải Tạo" tập II/2007

Comments

Popular posts from this blog

Wow, Is the sun smiling at us?

Hãy Nhìn Lại Xuân Qua - Cố Đô Yêu Dấu

Bruce Diaso