LAN MAN VỀ CUỘC CHIẾN ĐÃ XA

 


 
 
 
 
 
 
Chuyện quá khứ rất muốn gác qua nhưng rồi sao vào những ngày nầy, lòng vẫn cứ dây dưa.

Không dây dưa sao được khi thấy trên mạng xã hội chia làm hai phe. Một phe muốn nhuộm mạng bằng avatar màu đỏ, một phe muốn nhuộm mạng bằng avatar màu vàng. Cuộc chiến đã qua 38 năm nhưng vẫn chưa dứt ra khỏi nhiều người VN.

Chiến tranh Nam Bắc Mỹ: Nội chiến xuất phát từ ý thức hệ. Ý thức hệ tiên tiến trên hình thái sản xuất công nghiệp và ý thức hệ lạc hậu trên hình thái sản xuất nông nghiệp.

Trịnh Nguyễn phân tranh: Nội chiến vì tranh giành quyền lực, không phải vì ý thức hệ. Đây là cuộc chiến phi nghĩa.

Cuộc chiến 20 năm vừa rồi của VN là cuộc chiến gì?

Khi cuộc chiến còn chưa phân thắng bại, đang sống trong lòng của phe cộng hòa, Trịnh Công Sơn than vãn: Hai Mươi năm nội chiến từng ngày.

Mấy chục năm sau, đang sống trong lòng phe thắng trận Nguyễn Duy lại nói: Phe nào thắng thì nhân dân đều bại.


Ở hai thời điểm rất cách xa nhau, ở trong hai hoàn cảnh đối nghịch nhau nhưng nhạc sĩ và thi sĩ vẫn có một điểm chung: Phản đối cuộc chiến tranh vừa qua ở Việt Nam.

Cả hai đều thấy nó phi nghĩa chăng?

Trịnh Công Sơn còn sống trong hoàn cảnh chiến tranh, thấy tương lai mù mịt lại thêm thái độ loạng choạng giữa phe nầy và phe kia nên thấy cuộc chiến phi nghĩa. Nguyễn Duy đang ở bên thắng trận và sau khi cuộc chiến đã kết thúc thắng lợi về phe mình mà sao vẫn thấy cuộc chiến là phi nghĩa?
Cùng một dân tộc, một quốc gia mà chia làm hai phe đánh nhau: Đó là nội chiến.

Một phe theo ý thức hệ cộng sản, một phe theo ý thức hệ dân chủ cộng hòa: Nội chiến vì ý thức hệ.

Khi đánh nhau mỗi bên đều kêu gọi sự ủng hộ từ bên ngoài. Một bên nhờ vã vào Liên Xô – Trung cộng, một bên nhờ vã vào Mỹ: Nội chiến ý thức hệ có yếu tố can thiệp của ngoại lai.

Có chiến tranh thì có thắng thua. Phe cộng sản thắng, phe cộng hòa thua.


Nhưng chính nghĩa thuộc về phe nào?

Chính điều nầy mới gây ra tranh cãi và vì vậy đã qua 38 năm rồi mà người dân VN vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc chiến.

Nội chiến Nam Bắc Mỹ, chính nghĩa thuộc về phe có ý thức hệ tiên tiến đó cũng là phe thắng trận.
Còn nội chiến Việt Nam.

Phe thắng cuộc cho rằng chính nghĩa là về phía mình vì mình đã có ý thức hệ tiến bộ.

Nhưng phe thua cuộc vẫn cho rằng chính nghĩa về phía họ, dù là họ thua. Lý lẽ để biện minh: Anh thắng tôi nên anh đưa ý thức hệ của anh vào toàn VN, ý thức hệ đó đã giúp gì cho sự tiến bộ của đất nước và dân tộc sau 38 năm áp dụng?

Tôi lại chưa thoát ra khỏi cuộc chiến nầy rồi.

HNC
 Huỳnh Ngọc Chênh

Viết vừa xong thì nhận được E mail của nhà thơ Phan Đắc Lữ, một cán bộ bên phe thắng cuộc nói về cuộc chiến, xin đăng lên đây.
 
 
GIÁ NHƯ KHÔNG CÓ NGÀY 30 THÁNG 4
Để có ngày 30 tháng 4
Gần nửa triệu quân Mỹ
Các quốc gia đồng minh
Với hàng vạn vũ khí tối tân
Đổ vào miền Nam Việt Nam.
 
Để có ngày 30 tháng 4
Hơn ba trăm nghìn quân Trung Quốc
Hàng ngàn chuyên gia Liên Xô
Các nước đông Âu
Xe tăng , đại bác , tên lửa, tàu bay…
Đổ vào miền Bắc Việt Nam .

Để có ngày 30 tháng 4

Ròng rã hai mươi năm
Anh em ruột rà đánh nhau chí tử
Tranh giành non sông Tổ Tiên để lại
Máu ngập các dòng sông
Xương phơi đầy rừng núi
Những góa phụ đầu xanh phủ trắng khăn tang
Những mẹ già nhăn nheo tóc bạc như sương
Ngồi khóc con mãi mãi không về .
 

Để có ngày 30 tháng 4

Con cháu của Rồng Tiên
Rước voi về dày mả Tổ
Bên thắng
Bên thua
Nhân dân đại bại !
Tổ Quốc lâm nguy !
Bản Giốc Cao Bằng – Nam Quan ải Bắc
Hải đảo Hoàng Sa vào tay giặc cướp .

Và mỗi năm

Đến ngày 30 tháng 4
Lại khoét sâu thêm hận thù vào lòng dân tộc.
 
 
Giá như không có ngày 30 tháng 4

Đất nước đã hóa Rồng
Đâu phải như hôm nay .

Ngày 30 tháng 4 năm 2013


PHAN ĐĂC LỮ


 
 
Thứ hai, ngày 29 tháng tư năm 2013


Comments

Popular posts from this blog

Wow, Is the sun smiling at us?

Hãy Nhìn Lại Xuân Qua - Cố Đô Yêu Dấu

Bruce Diaso