LỜI KHUYÊN NGƯỜI TU TẬP PHẬT GIÁO




Trong lãnh vực tu tập tinh thần, lúc khởi đầu thì thường thường mọi người đều rất hăng say, tiếp theođó thì ngóng trông kết quả và sau cùng thì nản lòng rồi đâm ra chán nản. Trường hợp ấy là dấu hiệu cho thấy một cái nhìn quá thiển cận. Mong đợi kết quả nhanh chóng là một điều sai lầm, trừ trường hợp của nhà du-già Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa) (1). Phải chăng vì muốn nhấn mạnh đến điều đó mà kinh sách đã ghi chép rằng Đức Phật mất đến « ba thời gian kalpa vô tận » (2) trước khi đạt được Giác ngộ hoàn hảo ? Như vậy về phần ta thì làm thế nào có thể đạt được Giác ngộsau vài năm ẩn cư ? Những điều trên đây chứng tỏ ta chẳng hiểu gì về các lời giáo huấn cả. Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ cần cầm cái chuông nhỏ (3) mà lắc trong ba năm thì sẽ đạt được thể dạng phật, quả thật hết sức ngây thơ. Nhiệt tình tu tập là mộtđiều tuyệt vời, nhưng cũng phải hiểu rằng Đức Phật đã mất đến ba thời gian «kalpa » vô tận để tích lũy trí tuệ và những điều xứng đáng, vì vậy hãy nhìn vàođấy để hiểu rằng ta sẽ phải cần thật nhiều thời gian để đạt được sự Giác ngộtối thượng. Theo Phật giáo Bắc tông, thì Đức Phật đã đạt được Giác ngộ từ trước qua thân xác trí tuệ (4). Sau đó Ngài hiển hiện trong thân xác hình tướng (5)để lập lại từ đầu quá trình của Giác ngộ. Nhưng đâu phải đấy là lý do để cho ta vin vào mà bắt chước thực thi như Đức Phật, có phải thế không ? Chúng ta chỉ là những chúng sinh tập bước theo vết chân của Phật, và cũng chớ bao giờ quên là ngay trong kiếp nhân sinh cuối cùng, chính Ngài cũng phải mất sáu năm gian khổ.Nếu hiểu được những điều ấy, ta sẽ tránh được cái nhìn thiển cận.

Quả đúng là người ta có nói con đường tu tập mau lẹ của Kim cương thừa có thể giúp đạt được thể dạng phật một cách nhanh chóng, không cần loại bỏ những xúc cảm tiêu cực. Nhưng nhưthế không phải là không nguy hiểm. Trong tiểu sử của ngài Mật-lặc Nhật-ba có một giai thoại như sau. Có một vị lạt-ma nói với ngài Mật-lặc Nhật-ba rằng: «Nếu ai thiền định về những lời giáo huấn của ta vào ban ngày thì sẽ thành phật ngay ban ngày, những ai thiền định lúc ban đêm sẽ thành phật lúc ban đêm, còn những người may mắn hưởng được nghiệp thuận lợi thì khỏi cần thiền định làm gì». Ngài Mật-lặc Nhật-ba tự tin một cách chắc chắn mình là một trong những người may mắn ấy, và ngài liền đi ngủ ! Nếu ta bắt chước những chuyện ngược đời nhưthế thì có thể ta sẽ rất hùng hổ lúc đầu nhưng sau đó thì thất vọng nhanh chóng. Ngược lại, nếu hiểu rõ được những bước tiến hành trên con đường tu tập thì lòng nhiệt thành của ta sẽ không bao giờ suy giảm. Hiểu được điều ấy thật là quan trọng.

Một điểm khác nữa là tôn giáo thường đưa ra những giới luật hay những quy tắc đạo đức để nâng cao giá trị con người. Trong Phật giáo nói riêng, có một số người không quan tâm đúng mức đến khía cạnh đạo đức đó mà chỉ biết lo thiền định để mong chờ những kết quả diệu kỳ. Tuy nhiên chờ mãi mà không thấy gì xảy ra nên họ vô cùng chán nản.

Tôi xin lập lại một lần nữa, mục đích của việc tu tập Phật giáo không phải để đạt được những khả năng kỳ diệu mà là để biến cải lấy con người của chính mình. Trở ngại lớn nhất là ta chưa sẵn sàng để hy sinh thời giờ cần thiết cho việc thực hiện đó. Ta nghĩ rằngĐức Phật cần đến những thời gian « kalpa », nhưng mình thì chỉ cần hai hay ba năm là giải quyết xong mọi chuyện. Vì thế mà tôi nghĩ con đường tu tập Bắc tông rất cần thiết. Khi đã đạt được một sự hiểu biết vững chắc trên đường tu tập và nếu sau đó ta thật sự muốn bước vào Kim cương thừa, thì lúc ấy ta mới có thểhội đủ quyết tâm, dù cho phải để ra ba thời gian « kalpa » đi nữa. Khi đã hộiđủ nghị lực, ta mới có thể tu tập theo Kim cương thừa được. Đấy là một phương pháp mang đến sự tĩnh lặng cho tâm thức và đạt được sự quán chiếu sâu xa một cách dễ dàng hơn, và khi đó ta mới có nhiều cơ may để thành công hơn.

Ngược lại, khi chưa thuđạt được căn bản vững chắc mà đã hấp tấp khởi sự ngay với Kim cương thừa thì ta có thể gặp nguy cơ tưởng lầm rằng mình sẽ đạt được dễ dàng thể dạng phật «trong một kiếp sống và bằng một thân xác » như người ta thường nói. Ta cũng có nguy cơ biến vị thần linh ảo giác (6) trong khi tu tập thiền định thành vị trời sáng tạo ra vũ trụ và nghĩ rằng nếu đặt hết đức tin vào vị này thì vị này sẽban cho mọi khả năng siêu việt, được sống lâu, giàu sang, và mọi thứ khác nữa, kể ra không hết.

Một số người không hoàn toàn tin tưởng vào các lời giáo huấn của Đức Phật nên chỉ lẩn quẩn trong việc tìm hiểu với tính cách học hỏi. Một số người khác thì tin tưởng vào giáo huấn của Đức Phật, nhưng lại chỉ nghiên cứu bằng những hiểu biết trí thức, hoàn toàn có tính cách lý thuyết. Mục đích chính của giáo huấn Phật giáo là giúp biến cải bản thân của chính mình, nhưng không phải là cách gán thêm cho mình những hiểu biết mới. Nếu sau khi học hỏi mà không đem ra để thực hành bằng thiền định, thì hoàn toàn không có một ích lợi gì cả. Ta sẽ gặp nguy cơ trở thành một « người Phật giáo chán nản », một người chỉ hiểu giáo huấn của Đức Phật trên mặt lý thuyết, nói thì rất hay nhưng hoàn toàn không biết gì về « hương vị » của Phật pháp, chẳng qua cũng vì họ không biết chuyển sự hiểu biết thành kinh nghiệm sống cho họ. Ngược lại, nếu biết áp dụng những lời giáo huấn vào bản thân mình thì ta sẽ khám phá ra những « hương vị đích thực », và nguy cơ trở thành « một kẻ chán nản » sẽ không còn nữa. Vì thế phải thấm nhuần thật sâu những lời giáo huấn vào tâm thức. Hiểu biết và thực hành luôn phải đi đôi với nhau.

Những ai muốn chọn một cuộc sống thiền định và những khoảng thời gian ẩn cư lâu dài, chẳng hạn nhưcách ẩn cư ba năm theo truyền thống Tây tạng, thì phải chuẩn bị trước thật cẩn thận qua những lần « tu tập mở đầu » (7). Tự giam mình giữa bốn bức tường mà không biết thực thi đúng đắn sự tu tập để hướng tâm thức vào con đường tâm linh thì cũng không khác gì ngồi trong tù mà thôi. Nếu trong khi thiền định mà ta chỉ biết tụng niệm nhưng không ý thức được gì cả thì ẩn cư cũng chẳng có ích lợi gì. Trước khi ẩn cư, ta là một người bình thường, nhưng khi trở ra ta cũng vẫn còn nguyên như cũ. Biết đâu ta chỉ thực hiện được thêm một thứ mới, ấy là sựkiêu hãnh, vì có thể ta nghĩ rằng đã tự giam mình trong ba năm nên ta xứng đáng mang danh một vị « lạt-ma ». Như thế có ích lợi gì hay không ?

Trái lại nếu chuyên cần ngay trong lúc tu tập mở đầu, và sau đó thực hành một cách thường xuyên việc tu tập chính yếu trước khi ẩn cư ba năm, thì chắc chắn sau khi hết thời gian ẩn cư, tư duy, ngôn từ và hành vi của ta sẽ hoàn toàn biến cải. Hoặc ít ra ta cũng trở thành một người kỷ cương hơn, và đó cũng là một điều đáng mừng.

Với tư cách một Phật tử,nếu ta ước muốn xả thân cho các công trình nhân đạo thì đấy cũng là một điều tốt nhưng cần phải xét lại xem chủ tâm của ta có hoàn toàn tinh khiết hay không. Dù sao thì một hành động xã hội đơn thuần, không đi đôi với tình thương và lòng từ bi , cũng chưa phải là một hình thức dấn thân của Phật giáo, nhất là khi ta chưa quy y Phật.


Chính vì thế mà ngoài những công tác xã hội, ta nên dành ra một phần thời giờ để tu tập, ẩn cư và thiền định về vô thường, khổ đau, v.v.


Ghi chú :

1- Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa) (1052-1135) là một đại sư du-già Tây tạng, được xem như một Thánh nhân. Ngài để lại thật nhiều bài thi ca bất hủ, được góp nhặt và ghi chép lại trong một tập sách rất nổi tiếng, mang tên là « Thập vạn ca » (Mười vạn bài ca của Mật-lặc Nhật-ba).

2- Kalpa là tiếng Phạn, dịch âm là Kiếp hay là Kiếp-ba, kinh sách Tây phương dịch là éon hay aeon, là một khái niệm trong Phật giáo chỉ định một thời gian thật dài. Mỗi Kiếp tượng trưng cho một chu kỳ gồm có sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới. Trường hợp trên đây có ý nói Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp trong một thời gian thật dài trước khi đắc đạo.

3- Trong các buỗi lễthuộc Phật giáo Tan-tra, người hành lễ thường lắc một cái chuông nhỏ để tượng trưng cho Tánh không hay là Trí tuệ. Ba năm là có ý nhắc đến thời gian ẩn cư ba năm, ba tháng, ba ngày theo truyền thống Tây tạng. Qua câu nói có tính cách châm biếm trên đây, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma muốn nhấn mạnh đến cách tu tập mù quáng của một số người chưa thực hiện được gì mà đã nghĩ đến kết quả.

4- Còn gọi là Pháp thân hay Chân như.

5- Còn gọi là Báo thân hay Thụ dụng thân.

6- Các vị « thần linh »làm đối tượng cho sự quán tưởng trong khi thiền định không phải là những vịthần linh hiện hữu bên ngoài mà chỉ là những biểu hiện của thực thể nội tâm của chính mình, hay bản thể tối hậu của chính mình. Tu tập bằng cách quán tưởng nhưthế nhắm vào mục đích biến cải tâm thức của người hành giả trở thành hoàn hảo hơn.

7- « Tu tập mở đầu hay khai mào » là để chuẩn bị tâm thức trước khi bước vào cách « tu tập chính thức». Trong các giai đoạn này phải có một vị thầy gỉỏi hướng dẫn và xác nhận đủsức, sau đó mới được ẩn cư ba năm, ba tháng, ba ngày.

Đức Đạt Lai Lạt Ma

http://lytuongnguoiviet.com/index.php/tinvephatgiao/25987






Comments

Popular posts from this blog

Wow, Is the sun smiling at us?

Hãy Nhìn Lại Xuân Qua - Cố Đô Yêu Dấu

Bruce Diaso